Xin visa tuy khó mà dễ, khó dễ nằm ở chính bạn và quốc gia bạn đang muốn đặ chân đến. Tuy ở mỗi quốc gia có những quy định riêng và mỗi người có mỗi trường hợp khác nhau. Thế nhưng nhìn chung thủ tục khi xin visa du lịch các nước trên thế giới đều quy về một “mẫu số chung”.
Visa và Passport
Passport (hộ chiếu) là một loại giấy tờ tùy thân do Chính phủ cấp cho công dân dùng để nhận dạng cá nhân và xác định quốc tịch của một người khi sang quốc gia khác. Có 3 loại hộ chiếu gồm: hộ chiếu phổ thông, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu ngoại giao.
Nội dung trong hộ chiếu gồm có :
– Số hộ chiếu
– Ảnh
– Ghi họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính
– Số chứng minh nhân dân
– Nơi sinh
– Cơ quan cấp; nơi cấp
– Các nước có thể đi đến (hộ chiếu Việt Nam thì không có mục này)
– Thời hạn sử dụng
– Vùng để xác nhận thị thực
– Tên và thông tin của trẻ em ghép chung hộ chiếu
Visa (thị thực nhập cảnh) là giấy chứng nhận của cơ quan nhập cư thuộc một quốc gia để xác minh bạn (hoặc một người nào đó) được cấp phép nhập cảnh vào quốc gia đó trong một khoảng thời gian quy định tùy trường hợp như nhập cảnh một lần hay nhiều lần.
Có nhiều loại visa khác nhau: visa di dân (nhập cảnh và định cư theo diện được bảo lãnh), visa không di dân (du lịch, công tác, kinh doanh, chữa bệnh, lao động có thời hạn, du học, chương trình trao đổi, ngoại giao, chính trị…)
Nói đơn giản, Passport (hộ chiếu) là giấy tờ được cơ quan thẩm quyền cấp cho công dân nước mình, trong khi đó, visa là loại giấy tờ được cấp từ nơi người xin cấp muốn đến nhưng không phải là công dân nước đó. Có passport trước thì mới có visa, không có chuyện ngược lại nhé.
Bật mí một điều thú vị nho nhỏ, cuốn hộ chiếu là một trong những công cụ vô cùng có ích khi bạn đi đi du lịch kết hợp với shopping. Bởi, một số quốc gia, khi đưa hộ chiếu ra, bạn có thể được giảm giá trực tiếp cho một số mặt hàng như điện tử, thời trang hoặc mỹ phẩm. Ngoài ra, với cuốn hộ chiếu, bạn có thể mua hàng miễn thuế hoặc được hoàn thuế ngay tại sân bay. Đừng quên tận dụng để tiết kiệm được một khoản kha khá nhé.
Các loại giấy tờ cần chuẩn bị trước khi xin visa là gì?
– Hộ chiếu còn hạn trong vòng 6 tháng
– Tờ khai xin visa (bạn có thể tải trên trang web của Đại Sứ Quán hoặc Lãnh Sự Quán các nước)
– Ảnh chân dung 4.5 cm x 4.5 cm (thường là ảnh mặc áo sơ mi có cổ, không đeo kính nếu bạn bị cận, tóc gọn gàng để thấy rõ gương mặt và tai)
– Giấy tờ chứng minh khả năng tài chính để đảm bảo là bạn có thể chi trả các chi phí trong chuyến đi: giấy chứng nhận thu nhập do nơi bạn đang làm việc cung cấp (hợp đồng lao động, bản sao kê lương, giấy xác nhận mức lương…), sổ tiết kiệm tại ngân hàng.
– Lịch trình cụ thể của chuyến đi: ngày nào đến, ngày nào rời đi, ngày nào ở thành phố/ tỉnh nào, tham quan những địa điểm nào, lưu trú khách sạn, nhà nghỉ hay homestay nào. Bạn liệt kê chi tiết, rõ ràng bao nhiêu thì khả năng bạn được cấp visa càng cao bấy nhiêu.
– Vé máy bay chiều đi và chiều về
– Giấy xin nghỉ phép
Nếu bạn được mời hoặc được bảo lãnh đi du lịch thì bạn cần chuẩn bị thêm một số loại giấy tờ liên quan tới người bảo lãnh gồm:
– Giấy chứng nhận thu nhập
– Giấy chứng nhận số dư tiền gửi ngân hàng
– Bản lưu giấy đăng ký nộp thuế (Bản sao)
– Giấy chứng nhận nộp thuế (bản ghi rõ tổng thu nhập)
– Giấy chứng nhận bảo lãnh
– Phiếu công dân: Trường hợp người mời hoặc người bảo lãnh là người nước ngoài, xuất trình “Giấy chứng nhận có ghi rõ các hạng mục đăng ký người nước ngoài” và dùng hộ chiếu thay cho Phiếu công dân.
– Các bằng chứng chứng minh mối quan hệ của bạn và người bảo lãnh như: hình ảnh chụp chung, thư từ, email hoặc các cuộc điện thoại…
Lưu ý:
* Các loại giấy tờ trong bộ hồ sơ của bạn tốt nhất nên có bản dịch thuật song ngữ Việt – Anh hoặc Việt và ngôn ngữ của đất nước mà bạn đang xin visa. Bạn nên chuẩn bị kĩ cả bản chính và bản sao cho tất cả các loại giấy tờ nữa nhé.
* Khi khai các thông tin trong bộ hồ sơ, bạn tuyệt đối phải cung cấp thông tin chính xác. Việc khai khống, khai sai thông tin có thể khiến bộ hồ sơ của bạn bị trả về. Nghiêm trọng hơn, tại một số quốc gia có quy định chặt chẽ, bộ hồ sơ của bạn có thể bị từ chối cấp visa vĩnh viễn.
* Hồ sơ phải được nộp trực tiếp tại các cơ quan tiếp nhận hợp lệ như Đại Sứ Quán, Lãnh Sự Quán hoặc các cơ quan được ủy quyền. Hồ sơ qua email, fax hoặc bưu điện sẽ không được chấp nhận.
* Nếu bạn xin visa cho cả gia đình hoặc một nhóm người thì tất cả những người đương đơn đều phải có mặt.
Có bộ hồ sơ rồi thì phải làm gì tiếp theo?
Sau khi có bộ hồ sơ đầy đủ, bạn hãy truy cập vào trang web của Đại Sứ Quán và Lãnh Sự Quán của nước mà bạn muốn xin visa để đọc kỹ về thời gian, địa điểm nhận hồ sơ (thường là vào buổi sáng các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, trừ các ngày nghỉ lễ của Đại Sứ Quán nước đó) và trả hồ sơ (thường là vào buổi chiều). Thông thường, bạn có thể nộp hồ sơ sớm nhất là 3 tháng và trễ nhất là 15 ngày trước ngày dự định đi. Mỗi Đại Sứ Quán và Lãnh Sự Quán hoặc các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và trả hồ sơ sẽ có những lịch trình cụ thể riêng nên bạn phải tham khảo kỹ trước khi đi nộp.
Thời gian làm việc sẽ dao động trong khoảng 8 đến 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hoặc có thể nhiều hơn nếu chuẩn bị đến mùa du lịch cao điểm ở quốc gia mà bạn đang xin visa.
Mỹ là quốc gia duy nhất bắt buộc bạn phải thực hiện phỏng vấn bất kể bạn xin visa với mục đích nào. Các câu hỏi phỏng vấn sẽ là tiếng Anh và đây cũng là một trong những nước khó xin visa nhất thế giới.
Với các nước khác, sau khi nộp hồ sơ, họ sẽ kiểm tra thủ công các thông tin trên giấy tờ. Với những bộ hồ sơ chưa rõ ràng hoặc có điều gì chưa hợp lý thì bạn sẽ được mời đến phỏng vấn và nhận kết quả ngay sau đó. Thông thường, xin visa tại các nước châu Âu, châu Mỹ, nơi có những quốc gia mà nền kinh tế phát triển thì tỷ lệ phải phỏng vấn sau khi nộp hồ sơ cao hơn như Anh, Pháp, Đức, Canada,…
Khi đi phỏng vấn, bạn nhớ mang theo chứng minh nhân dân của mình và đọc kỹ quy định về giờ giấc, hành trang được mang theo cũng như tuân thủ vấn đề an ninh.
Một số lưu ý khi thực hiện phỏng vấn xin visa
– Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn
– Tâm lý vững vàng, phong thái tự nhiên, điềm tĩnh: Rất nhiều người xin visa với mục đích chính đáng và chuẩn bị rất kỹ nội dung nhưng khi thực hiện phỏng vấn trực tiếp lại thất bại do bị hồi hộp, run sợ khiến mặt mũi tái xanh, chân tay run lẩy bẩy, toát cả mồ hôi. Bạn nên giữ một thái độ bình tĩnh, tự nhiên, không nghĩ nhiều đến việc đậu hay rớt. Luôn hít thở đều, cười mỉm và giữ cho mình trong trạng thái thư giãn, thoải mái nhất.
– Chuẩn bị trang phục: Phong cách chung mà bạn nên chọn là lịch sự, đơn giản. Phụ nữ nên trang điểm nhẹ, trang phục kín đáo. Đàn ông chọn sơ mi, quần tây, cà vạt. Tránh các trang phục kim sa long lanh, lòe loẹt hoặc hở hang.
– Trả lời phỏng vấn: Một lời chào lịch sự và nụ cười mỉm sẽ giúp bạn ghi điểm ngay. Nếu bạn thông thạo tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của nước mà bạn đang xin visa thì đó là một lợi thế của bạn. Nếu không thạo ngoại ngữ, bạn có thể yêu cầu được hỏi bằng tiếng Việt hoặc nhờ đến sự trợ giúp của người phiên dịch. Bạn lắng nghe kĩ câu hỏi, nếu chưa rõ có thể yêu cầu lặp lại. Trả lời ngắn gọn, dứt khoát, rõ ràng, đi thẳng vào trọng tâm và trung thực là điều vô cùng quan trọng trong những lúc như thế này. Các chuyên viên phỏng vấn rất tinh tường, họ được đào tạo để nắm bắt tâm lý của đối phương rất nhanh nên sẽ dễ dàng phát hiện ra người nói dối. Trung thực và tuyệt đối trung thực bạn nhé!
Những câu hỏi đa phần rất đơn giản, dễ hiểu và không hề đánh đố bạn, không như những lời đổn thổi về các cuộc phỏng vấn cân não. Hi vọng, các bước hướng dẫn cơ bản và một số mẹo nhỏ của chúng tôi sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về quy trình xin nhập cảnh vào số một quốc gia.