Giải đáp các câu hỏi liên quan tới xin cấp hộ chiếu ở Bình Thuận: “Ở Phan Thiết Bình Thuận làm passport (hộ chiếu) ở đâu?”.
Quý vị các bạn có hộ khẩu ở thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Tân, Đức Linh, Phú Quý … đều có thể xin cấp passport (hộ chiếu) ở nhiều nơi trên cả nước. Tuy nhiên tất cả đều phải theo quy định.
Ở Phan Thiết Bình Thuận làm passport (hộ chiếu) ở đâu?
Câu trả lời chính xác là phòng quản lý Xuất Nhập Cảnh Bình Thuận: 117 Tôn Đức Thắng, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Tel: (062)3821824.
Ở đây Chu Du Travel xin nói rõ ra các trường hợp để quý vị và các bạn nắm để biết cách xử lý:
• Trường hợp 1: Bạn ở Bình Thuận và hộ khẩu thường trú lẫn tạm trú tại Bình Thuận.
Như trường hợp này các bạn sẽ tới Phòng xuất nhập cảnh tỉnh Bình Thuận.
• Trường hợp 2: Bạn ở Bình Thuận hộ khẩu ở Bình Thuận nhưng tạm trú tại tỉnh khác.
Nếu bạn sắp xếp được thời gian có thể về lại Bình Thuận và làm thủ tục tại địa chỉ của trường hợp 1. Nhưng nếu không thể quay về Bình Thuận bạn vẫn có thể làm tại phòng xuất nhập cảnh tỉnh bạn đang lưu trú với điều kiện có sổ tạm trú dài hạn tại đây. Ví dụ bạn đang sinh sống và làm việc tại Ninh Thuận chẳng hạn thì tới địa chỉ 287 đường 21/8, phường Phước Mỹ, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
• Trường hợp 3: bạn ở Bình Thuận nhưng hộ khẩu ở tỉnh khác và chỉ tạm trú tại Bình Thuận.
Nếu bạn sắp xếp được có thể quay về tỉnh bạn đăng ký hộ khẩu để làm nếu không hoàn toàn có thể làm tại phòng Xuất Nhập Cảnh tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên cũng như trường hợp 2 bạn phải có sổ tạm trú dài hạn KT3 tại Bình Thuận.
>> Xem thêm: Dịch vụ làm visa Canada chỉ 3.300.000đ bao đậu, tặng hộ chiếu
Thủ Tục xin cấp, sửa đổi hộ chiếu tại Bình Thuận
Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên khi nộp tờ khai đề nghị cấp, sửa đổi hộ chiếu phổ thông phải xuất trình Chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng để kiểm tra, đối chiếu (15 năm tính từ ngày cấp CMND đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp Hộ chiếu phổ thông tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Bình Thuận).
a. Đối với người từ 14 tuổi trở lên
– 01 tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu (theo mẫu);
– 02 ảnh cỡ 4cm x 6cm mới chụp, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền trắng. (Chụp ảnh tại phòng Quản lý xuất nhập cảnh để truyền dữ liệu về Cục Quản lý xuất nhập cảnh).
b. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi
– Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu;
– 01 bản sao giấy khai sinh (nếu là bản chụp thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu);
– 02 ảnh cỡ 4cm x 6cm mới chụp, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền trắng;
Tờ khai do mẹ, cha khai và ký thay; nếu không còn mẹ, cha thì mẹ, cha nuôi hoặc người giám hộ (có giấy tờ chứng minh là mẹ, cha nuôi hoặc người giám hộ hợp pháp) khai và ký thay.
c. Đối với trẻ em dưới em 09 tuổi đề nghị cấp chung hộ chiếu với mẹ hoặc cha
– 01 tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, tờ khai do cha hoặc mẹ khai và ký.
– 01 bản sao giấy khai sinh (nếu là bản chụp thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu).
– 02 ảnh cỡ 3cm x 4cm mới chụp, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền trắng.
d. Cấp lại hộ chiếu
– Trường hợp cấp lại Hộ chiếu do hộ chiếu bị mất; bị hư hỏng; còn thời hạn cần cấp lại hoặc đã hết thời hạn; tách trẻ em trong hộ chiếu của mẹ hoặc cha thì ngoài các thủ tục nêu tại điểm a, b, c còn phải bổ sung thêm các thủ tục sau:
+ Trường hợp mất hộ chiếu thì nộp đơn trình báo mất hộ chiếu theo quy định;
+ Trường hợp hộ chiếu bị hư hỏng hoặc hộ chiếu còn thời hạn thì nộp lại hộ chiếu đó;
+ Trường hợp tách trẻ em trong hộ chiếu của mẹ hoặc cha thì nộp hộ chiếu, 01 tờ khai theo mẫu và 02 ảnh cỡ 4cm x 6cm của mẹ hoặc cha để cấp lại hộ chiếu; nộp 01 tờ khai theo mẫu và 02 ảnh cỡ 4cm x 6cm của trẻ em để cấp riêng hộ chiếu cho trẻ em đó.
đ. Sửa đổi, bổ sung hộ chiếu
– Trường hợp sửa đổi, bổ sung hộ chiếu do điều chỉnh họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, giới tính, số giấy chứng minh nhân dân trong hộ chiếu thì ngoài các thủ tục nêu tại điểm a, b, c phải nộp kèm theo giấy tờ chứng minh sự điều chỉnh đó.
◊ Trường hợp bổ sung trẻ em dưới 9 tuổi vào hộ chiếu mẹ hoặc cha thì hồ sơ gồm:
+ 01 tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu;
+ 02 ảnh cỡ 3cm x 4cm của trẻ em đó;
+ 01 bản sao giấy khai sinh.
– Hộ chiếu đề nghị sửa đổi còn thời hạn ít nhất một năm.
1.2. Cách thức nộp hồ sơ và nhận kết quả
Người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu nộp hồ sơ tại phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh theo 1 trong 3 cách sau:
– Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh thì tờ khai không phải xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú đối với người đủ 14 tuổi trở lên. Khi đến nộp hồ sơ và nhận kết quả phải xuất trình giấy Chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng, nếu tạm trú phải xuất trình thêm sổ tạm trú để kiểm tra, đối chiếu.
Tất cả các trường hợp dưới 14 tuổi thì tờ khai phải có xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú.
– Ủy thác cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân theo quy định nộp hồ sơ và nhận kết quả:
+ Người ủy thác khai và ký tên vào tờ khai đề nghị cấp, sửa đổi hộ chiếu theo mẫu quy định, có dấu giáp lai ảnh và xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được ủy thác.
+ Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy thác có công văn gửi Công an tỉnh đề nghị giải quyết. Nếu đề nghị giải quyết cho nhiều người thì phải kèm theo danh sách những người ủy thác, có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy thác.
+ Cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được ủy thác khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu của người ủy thác phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng của bản thân và của người ủy thác để kiểm tra, đối chiếu.
– Gửi hồ sơ và đề nghị nhận kết quả qua đường bưu điện:
Trường hợp gửi hồ sơ và đề nghị nhận kết quả qua đường bưu điện chỉ áp dụng với các trường hợp cấp lại, sửa đổi hộ chiếu (trừ trường hợp bổ sung trẻ em dưới 9 tuổi vào hộ chiếu của mẹ hoặc cha).
Hồ sơ gồm 01 tờ khai (theo mẫu) có xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú, kèm theo 01 bản chụp giấy chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng và sổ tạm trú (nếu là tạm trú).
Địa điểm, cách thức gửi hồ sơ, lệ phí hộ chiếu và nhận kết quả qua đường bưu điện thực hiện theo hướng dẫn của Tập đoàn bưu chính viễn thông.
*Lưu ý:
– Các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương được ủy thác nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu không phải làm thủ tục thông báo tư cách pháp nhân của cơ quan, ban ngành đó.
– Các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân phải làm thủ tục thông báo tư cách pháp nhân, hồ sơ gồm:
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì phải nộp bản sao giấy chứng nhận đầu tư;
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký thuế;
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu của doanh nghiệp;
+ Văn bản giới thiệu mẫu chữ ký của Thủ trưởng doanh nghiệp.
(Việc thông báo chỉ thực hiện 01 lần).
– Những người sau đây có thể ủy thác cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân nơi người đó đang làm việc, học tập nộp hồ sơ và nhận kết quả:
+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Luật cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010.
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân viên đang phục vụ trong các đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
+ Sinh viên, học sinh đang học tập trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề.
+ Những người có hợp đồng lao động từ 01 năm trở lên đang làm việc trong các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
+ Người đã ký hợp đồng lao động nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động đã có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về lao động và đã ký hợp đồng cung ứng lao động với đối tác nước ngoài.
1.3. Thời gian giải quyết
08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.Lệ phí:
» Lệ phí cấp mới: 200.000 đồng.
» Lệ phí sửa đổi, bổ sung: 50.000 đồng.
» Lệ phí cấp lại khi hư hỏng hoặc bị mất: 400.000 đồng.
Hướng dẫn điều đơn xin cấp hộ chiếu
Áp dụng cho hộ chiếu phổ thông để đi du lịch, du học, thăm người thân, công tác, định cư.
Ghi đầy đủ, rõ ràng từng mục trong tờ khai (từ mục 1 cho đến mục 15), mục nào không có thì ghi rõ là “không”.
◊ Mục 1: Ghi họ và tên chữ in hoa. Ví dụ: TRẦN VĂN A
◊ Mục 2: Đánh dấu X vào ô giới tính Nam hoặc Nữ theo giấy khai sinh.
◊ Mục 3:
– Ghi ngày, tháng, năm sinh trên CMND, trường hợp CMND chỉ có năm sinh thì chỉ được ghi năm sinh, nếu ghi thêm ngày, tháng sinh phải nộp kèm giấy khai sinh để đối chiếu.
– Nơi sinh phải ghi đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện tại. Ví dụ: tỉnh Thuận Hải trước đây, nay đã tách thành tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận thì cần xác định và ghi chính xác tên một tỉnh là Ninh Thuận hoặc Bình Thuận.
◊ Mục 4:
– Ghi đầy đủ, rõ ràng số CMND, ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp. Nếu CMND có 09 số thì ghi vào 09 ô đầu, gạch chéo 03 ô còn lại.
– Trường hợp CMND đã hết hạn sử dụng (quá 15 năm kể từ ngày cấp), mất, hư hỏng, không rõ số thì phải làm lại CMND.
– Trẻ em đến tuổi cấp CMND (đủ 14 tuổi) phải xin cấp CMND trước khi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu.
– Trường hợp người ở tỉnh khác chuyển đến thường trú tại Bình Thuận phải đổi CMND do Bình Thuận cấp.
◊ Mục 5: Ghi rõ dân tộc. Ví dụ: Kinh, Chăm, Hoa, Tày, Nùng…
◊ Mục 6: Ghi rõ tôn giáo. Ví dụ: Phật, Thiên Chúa, Tin Lành, Bà Ni, Bà La Môn…
Nếu không có thì ghi “không”.
◊ Mục 7: Ghi số điện thoại đang sử dụng.
◊ Mục 8: Ghi địa chỉ thường trú theo sổ hộ khẩu. Ghi rõ 04 cấp đơn vị hành chính như: Số nhà, tên đường (nếu có), thôn, xã, huyện, tỉnh hoặc khu phố, phường, thị xã (thành phố), tỉnh. Ví dụ: Thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Hoặc, Khu phố 7, phường Phú Thủy, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
◊ Mục 9: Ghi địa chỉ nơi tạm trú ngoài tỉnh (nếu có); ghi rõ số nhà, tên đường, thôn/khu phố, xã/phường, huyện/quận…
◊ Mục 10: Khai nghề nghiệp hiện nay.
◊ Mục 11: Ghi tên và địa chỉ nơi làm việc (nếu có).
◊ Mục 12: Khai rõ họ tên cha, mẹ, vợ/chồng (nếu có) và ngày, tháng, năm sinh cụ thể. Nếu cha, mẹ, vợ/chồng không có tên trong sổ hộ khẩu hoặc đã chết thì vẫn ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm sinh. Trường hợp không nhớ ngày, tháng sinh của cha, mẹ, vợ/chồng thì ghi năm sinh.
◊ Mục 13: Ghi số hộ chiếu đã được cấp lần gần nhất (nếu có), ngày cấp hộ chiếu. Nếu chưa làm hộ chiếu lần nào thì ghi “không”.
◊ Mục 14: Ghi cụ thể: đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu; cấp lại hộ chiếu (do mất/hết hạn/tách cấp riêng hộ chiếu cho con); thay đổi họ và tên, ngày tháng năm sinh, số giấy CMND; nơi sinh trong hộ chiếu; bổ sung con dưới 09 tuổi vào hộ chiếu của cha/mẹ; đề nghị khác nếu có (ghi rõ lý do).
◊ Mục 15: Nếu trẻ em dưới 09 tuổi có yêu cầu cấp chung hộ chiếu với cha/mẹ thì khai mục này, tờ khai phải có xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh của Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú, nộp kèm 01 bản sao giấy khai sinh của trẻ em.