Cũng giống như Trung Quốc và Việt Nam, Nhật Bản cũng có tục lệ cúng trăng vào rằm tháng 8 âm lịch. Và Tsukimi Dango chính là loại bánh trung thu truyền thống, đồng thời là nét văn hóa đặc trưng mùa thu của xứ sở hoa anh đào.
* Tết Trung Thu ở Nhật Bản
Là một nước thuộc nền văn hóa Á Đông, Nhật Bản cũng có tục lệ cũng trăng vào mùa thu. Tuy nhiên, Tết Trung Thu ở Nhật Bản rất khác so với Việt Nam. Nếu Tết Trung Thu ở Việt Nam chỉ tổ chức một lần thì Nhật Bản tổ chức Tết Trung thu đến hai lần. Một lần vào ngày trăng tròn giữa mùa thu gọi là Zyuyoga. Vào lúc này, người Nhật thường có tục lệ ngắm trăng gọi là Otsuki-mi. Lần thứ hai diễn ra vào ngày 13 tháng 10 được gọi là Zyusanya.
Otsukimi có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào Nhật Bản dưới thời Heian. Ở thời kỳ này, Tết Trung thu thường được tổ chức để các giới quý tộc làm thơ, uống rượu, ăn bánh. Hiện nay, Tết Trung Thu ở Nhật Bản khá hiếm người làm thơ nhưng vẫn giữ lại những món ăn truyền thống. Chủ yếu là Tsukimi Dango.
* Tsukimi Dango – bánh trung thu Nhật Bản
Bánh Trung Thu ở Nhật Bản có tên là Tsukimi Dango. Được làm từ bột Dango hay còn gọi là bột nếp. Sau khi nhào bột với đường và hương liệu thì được viên thành viên nhỏ và hấp giống như bánh bao.
Bạn có thể bắt gặp một chiếc bánh Tsukimi Dango với hình chú thỏ trắng rất đáng yêu hay chỉ là những viên bánh trắng ngà đơn giản. Chiếc bánh hình chú thỏ cũng được làm ra tương tự với cách làm bánh Tsukimi Dango thông thường nhưng được gắn tai, mắt cắt ra từ trái táo hoặc vẽ bằng màu. Nguồn gốc của chiếc bánh xuất phát từ việc dân gian nhìn thấy một chú thỏ ngọc giã bột làm bánh Tsukimi Dango trên mặt trăng.
Vào ngày rằm trung thu Otsukimi, người Nhật thường bày bánh Tsukimi Dango theo hình tam giác trên một chiếc kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ susuki, và cũng có thể có thêm một số loại hoa quả nữa.
Sau đó họ đặt lên hiên nhà, hoặc gần bên cửa sổ, bất cứ chỗ nào có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, để vừa ăn, vừa ngắm trăng. Ở một số nơi người ta cho rằng bánh dango sau khi cúng xong để bên ngoài hiên, nếu trẻ con tự ý đến lấy thì là một điều may mắn.
Bánh Dango của người Nhật có nhiều hình dạng, tùy vào văn hóa phong tục của từng khu vực. Có nơi làm bánh hình tròn, có chỗ nặn hình chữ nhật, hình dẹt… nhưng phổ biến nhất là bánh hình tròn.
Cách làm bánh Tsukimi Dango này rất dễ, giống cách làm bánh trôi nước ở Việt Nam, chỉ khác nguyên liệu. Để làm bánh Dango, người ta thường sử dụng bột Shiratama pha với bột Joushinko nên tạo ra chiếc bánh có độ cứng vừa, dai, dẻo.
Bánh sau khi làm xong sẽ xếp thành tháp để cúng, rồi sau đó đem nướng sơ cho hơi giòn, quết mật đường lên, ăn kèm với bột đậu nành Kinanko hay đậu đỏ, nhấm nháp với trà xanh.
Ngoài bánh Dango truyền thống, người Nhật có thể kết hợp với các nguyên liệu khác làm nên những chiếc bánh nhiều màu sắc. Người Nhật ăn bánh Dango quanh năm, nhưng với mỗi mùa, mỗi dịp khác nhau lại có cách trưng bày và màu sắc riêng biệt.
Ăn bánh Dango, nhâm nhi ly trà là một nét văn hóa truyền thống của người Nhật. Vị ngọt của bánh, kết hợp với vị thanh mát của trà có thể làm hài lòng những thực khách khó tính nhất. Ngày nay, bánh Dango được kết hợp với các món ăn khác, tạo nên sự hài hòa hấp dẫn. Dango là một món ăn truyền thống và phổ biến của Nhật Bản. Nhưng chúng lại chỉ được xem như là một món ăn chơi, không phải là thực đơn chính trong các bữa ăn của người Nhật.
Tsukimi Dango không đơn thuần là 1 loại bánh mà còn là 1 nét văn hóa đặc sắc của người Nhật vào mùa thu. Nếu có dịp đến xứ sở mặt trời mọc thì bạn hãy thử qua món ăn tuyệt vời này nhé.
Để thực hiện được chuyến du lịch khám phá xứ mặt trời mọc, bạn có thể theo dõi quy trình xin visa Nhật Bản tại bài viết Dịch vụ xin visa du lịch Nhật Bản nhanh chóng, giá hợp lý. Chúc bạn thành công.